Nếu Fulham giành được vé dự Champions League trong tương lai, tỷ phú Shahid Khan chắc chắn sẽ được người hâm mộ tôn vinh như một người hùng.
Shahid Khan – người đổi vận Fulham
Với việc Premier League có khả năng cao sẽ có 5 suất tham dự Champions League mùa sau, cùng với khoảng cách điểm số rất sít sao giữa các đội từ vị trí thứ 4 đến thứ 10 (tối đa chỉ 7 điểm), cuộc đua giành vé tham dự giải đấu danh giá nhất châu Âu đang trở nên vô cùng gay cấn.
Fulham không có nhiều cơ hội để cạnh tranh chức vô địch, nhưng việc họ có thể chen chân vào top 5 đã là một thành công đáng ghi nhận. Hiện tại trên bảng xếp hạng, Fulham đang đứng thứ 8 và chỉ kém đội xếp thứ 5 Man City đúng 3 điểm.
Người hâm mộ Fulham có quyền tự hào khi đội bóng của họ được điều hành bởi một ông chủ vô cùng sáng suốt. Tỷ phú Shahid Khan đã làm được điều mà người hâm mộ Manchester United có lẽ chỉ dám mơ ước: Một ông chủ giúp đội bóng phát triển mạnh mẽ, ổn định, ít nợ nần và đầy tham vọng.

Giấc mơ Mỹ trở thành hiện thực
Shahid Khan hiện sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 13,3 tỷ USD và nằm trong top 170 người giàu nhất thế giới. Ông được xem là “ông trùm” trong ngành cung cấp phụ tùng ô tô. Nhìn vào tên tuổi và vẻ ngoài của ông, nhiều người có thể lầm tưởng rằng Shahid Khan giàu có nhờ xuất thân danh giá hoặc mối quan hệ với các hoàng gia Trung Đông.
Tuy nhiên, Shahid Khan sinh ra tại Pakistan trong một gia đình trung lưu. Cha ông là một người buôn bán dụng cụ đo đạc xây dựng, còn mẹ là một giáo viên dạy toán. Với ý chí vươn lên, ông đã sang Mỹ du học từ năm 16 tuổi, theo học ngành kỹ sư và tự trang trải cuộc sống bằng tiền học bổng và công việc rửa bát thuê. Khi còn chưa tốt nghiệp, ông đã bắt đầu làm việc cho một tập đoàn sản xuất ô tô. Sau khi tốt nghiệp, ông nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc.
Chỉ 13 năm sau khi đặt chân đến Mỹ, Shahid Khan đã mua lại chính tập đoàn đã từng thuê mình và biến nó thành một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ, cung cấp linh kiện cho ba “ông lớn” General Motors, Ford và Chrysler. Nhờ những bước đi chiến lược, đến năm 2019, tập đoàn Flex-N-Gate của ông đã có 25.000 nhân viên và 69 nhà máy trên toàn cầu, trải dài từ Bắc Mỹ, Trung Quốc, Tây Âu đến Argentina.
“Mỹ hóa”
Không chỉ giàu có, Shahid Khan còn có sự “Mỹ hóa” đáng kể. Ông kết hôn với một phụ nữ Mỹ, định cư tại Chicago và là nhà tài trợ của nhiều quỹ từ thiện tại thành phố này. Ông cũng từng quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Barack Obama năm 2008. Đến năm 2012, tạp chí Forbes đã đưa hình ảnh ông lên trang bìa trong số đặc biệt về “Giấc mơ Mỹ”.
Câu chuyện Fulham
Shahid Khan bước chân vào lĩnh vực thể thao năm 2011 khi mua lại CLB bóng bầu dục Jacksonville Jaguars thuộc giải NFL. Năm 2013, Shahid Khan đầu tư vào bóng đá khi mua lại Fulham từ tỷ phú Mohamed Al Fayed. Khi đó, Fulham là một đội bóng đã có chỗ đứng vững chắc tại Premier League. Tuy nhiên, kỷ nguyên của Shahid Khan khởi đầu không mấy suôn sẻ, Fulham xuống hạng ngay trong mùa đầu tiên, thậm chí suýt xuống League One ở mùa tiếp theo.
Bước ngoặt đến vào năm 2016 khi con trai của Shahid Khan, Tony Khan, bắt đầu giữ vai trò giám đốc điều hành tại CLB. Dưới sự điều hành của Tony, Fulham dần tiến bộ và giành vé trở lại Premier League vào năm 2018. Tuy nhiên, đội bóng vẫn thiếu sự ổn định, với hai lần thăng hạng và hai lần xuống hạng trong những năm tiếp theo. Chỉ sau mùa giải 2020/21, Fulham mới thực sự bước vào giai đoạn ổn định như hiện tại.
Cha con nhà Khan đã mắc không ít sai lầm trong quá trình điều hành CLB, nhưng điều không thể phủ nhận là họ có trách nhiệm và biết sửa sai. Việc đặt niềm tin vào HLV Marco Silva là một minh chứng rõ ràng, cùng với đó là những thương vụ chuyển nhượng chất lượng như Mitrovic, Palhinha,…
Những chi tiết nhỏ cũng góp phần tạo nên thành công. Trước đây, Fulham từng gặp khó khăn vì chính sách chuyển nhượng chậm chạp, các tân binh thường đến vào cuối kỳ chuyển nhượng, không có đủ thời gian làm quen. Giờ đây, vấn đề này đã được giải quyết, giúp HLV Silva luôn có trong tay những cầu thủ sẵn sàng thi đấu.
Shahid Khan từng gây sốc với thương vụ mua sân Wembley
Shahid Khan vẫn rất giàu tham vọng và sẵn sàng đầu tư mạnh tay. Ông đã thiết lập mạng lưới tuyển trạch viên rộng khắp, hợp tác với nhiều đội bóng hạng dưới tại Ý, đồng thời từng có ý định mua lại sân Wembley với giá 800 triệu bảng năm 2018 (mặc dù không thành công). Cụ thể, Shahid Khan khi đó đã lên kế hoạch đàm phán với Liên đoàn bóng đá Anh (FA) nhằm đạt được thỏa thuận mua lại sân vận động Wembley.
Ông cho rằng việc mua lại Wembley nằm trong lộ trình phát triển đưa môn bóng bầu dục trở nên phổ biến hơn tại Anh. Khoản tiền được chia làm hai phần, 300 triệu bảng và 500 triệu bảng. FA sử dụng 300 triệu bảng để phát triển cơ sở hạ tầng tại Wembley, 500 triệu bảng còn lại dành cho các dự án mới bao gồm quảng bá cho giải bóng bầu dục.
Tuy nhiên, vì một số khúc mắc, việc mua bán này đã không thể thành công. Việc sân Wembley suýt bị bán cách đây 7 năm đã khiến phần lớn người hâm mộ bóng đá Anh phẫn nộ vì sân Wembley được xem là biểu tượng bóng đá tại xứ sở sương mù.
Sự chia rẽ âm ỉ
Mặc dù Fulham đang trên đà phát triển, người hâm mộ vẫn có những ý kiến trái chiều về cha con nhà Khan. Một số cổ động viên cho rằng sự tiến bộ gần đây của đội bóng không phải nhờ Tony Khan, mà là nhờ việc ông giảm bớt sự can thiệp vào công tác chuyên môn, trao quyền nhiều hơn cho những người có chuyên môn bóng đá.
Hiện tại, Tony Khan còn nổi tiếng với vai trò ông chủ của công ty đấu vật All Elite Wrestling – đối thủ lớn nhất của WWE – và có vẻ như đấu vật đang chiếm phần lớn sự quan tâm của ông hơn là bóng đá.
Chuyện giá vé
Nhưng vấn đề gây tranh cãi nhất vẫn là giá vé. Mặc dù chỉ là một đội bóng tầm trung tại Premier League, Fulham lại có giá vé nằm trong top 5 giải đấu. Đặc biệt, khán đài Riverside có mức giá vé cao nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, với 12.000 bảng/vé (gần 400 triệu đồng).
Trong những năm gần đây, các cổ động viên trung thành của Fulham ngày càng ít có cơ hội đến sân do giá vé quá đắt đỏ. Chưa dừng lại ở đó, CLB đôi khi còn để khán giả đội khách và đội nhà ngồi lẫn lộn. Một năm trước, hội cổ động viên chính thức của Fulham đã gửi thư ngỏ yêu cầu Shahid Khan xem xét lại chính sách giá vé, nhưng không nhận được phản hồi.
Sự dè chừng vẫn tồn tại, và người hâm mộ Fulham vẫn chưa sẵn sàng hát vang tên ông chủ của đội bóng. Trong khoảng một năm qua, cổ động viên cũng tỏ ra cảnh giác trước sự xuất hiện của CEO Alistair Mackintosh, người được cho là có nhiệm vụ tối ưu hóa lợi nhuận cho gia đình Khan. Điều này làm dấy lên tin đồn rằng họ có thể bán CLB trong tương lai nếu nhận được mức giá hợp lý.
Xem thêm: